Ticker

6/recent/ticker-posts

Giúp trẻ ăn ngon miệng

Khả năng ăn của trẻ thường phân thành hai nhóm “ăn tốt” và “ăn kém”. Cha mẹ có con ăn tốt thì không có vấn đề gì cả song đối với những bậc phụ huynh nuôi những đứa con lười ăn thì cần phải cố gắng đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng để trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.


Cha mẹ thường lo lắng về chế độ dinh dưỡng của trẻ như chế độ ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn không thích hợp hay cả vấn đề tâm lý khi cho trẻ ăn. Thế nhưng đôi khi sự lo lắng của phụ huynh có thể vượt quá so với thói quen ăn uống của trẻ. Sau đây là một vài yếu tố về trẻ và thái độ của chúng ta đối với thức ăn để bạn tham khảo nhắm đáp ứng nhu cầu tốt hơn của con bạn.

Sự ngon miệng của trẻ là khác nhau


Đôi khi trẻ có thời gian ăn không trùng với thời gian ăn của những thành viên khác trong gia đình. Do vậy đến bữa ăn của mọi người phụ huynh thường có tâm lý quát nạt thậm chí là ép ăn khiến trẻ thêm căng thẳng, ăn không ngon miệng lâu dần bữa ăn trở thành một nỗi ám ảnh.

Cha mẹ có thể giúp bé như thế nào?


Đừng tốn thời gian cho việc ép trẻ ăn vào lúc này vì điều đó thật vô ích. Cũng như người lớn vậy khi chúng ta không muốn ăn mà cứ bị ép thì sẽ cảm thấy khó chịu và bực bội. Do vậy bạn cần chấp nhận một thực tế rằng con cuả bạn chưa đói và chúng sẽ ăn khi nào có nhu cầu. Hãy linh hoạt trong việc ăn uống của trẻ, đặc biệt tránh đưa ra phần thưởng nếu trẻ ăn ngay lúc này.

Trẻ đáp ứng với việc chơi


Đa số cha mẹ cho rằng: Trẻ có thể ăn tốt hơn khi việc ăn được kết hợp với các trò chơi. Vì vậy cứ mỗi khi đến giờ ăn, thay vì cho con ngồi một chỗ tập trung duy nhất vào việc ăn thì cha mẹ bày la liệt các loại đồ chơi trẻ ưa thích.. Lúc này bé cứ đủng đỉnh vừa chơi và vừa ăn. Cũng vì vừa chơi vừa ăn nên bé không cảm nhận được hương vị của các món ăn, nên sẽ không cảm thấy ngon miệng.

Cha mẹ có thể giúp bé như thế nào?


Thay vì cấm trẻ chơi ngay tức khắc để ăn thì chúng ta hãy hỏi bé đang làm gì và nói một điều gì đó phù hợp với từng tình huống để chúng có thể tạm dừng cuộc chơi và tập trung vào bữa ăn. Chẳng hạn nếu trẻ đang chơi lái xe, chúng ta có thể nói: Giờ là thời điểm các lái xe tạm dừng để ăn uống, chuẩn bị sức khỏe tốt cho chặng đường dài sắp tới.

Tất cả trẻ đều háu ăn


Với nhiều bậc phụ huynh có con kém ăn, thì câu cửa miệng mà họ thường phàn nàn với những phụ huynh khác rằng: Thằng cu, hay con bé nhà tôi lười ăn lắm. Song theo nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy: Tất cả các trẻ đều háu ăn chỉ có điều chúng không hứng thú với những món ăn mà người lớn đưa hoặc ép cho chúng ăn mà thôi.

Cha mẹ có thể giúp bé như thế nào?


Để con của bạn tham gia chuẩn bị bữa ăn cùng với bạn – điều này sẽ khiến cho bé cảm thấy hứng thú với thức ăn chúng đã góp phần chuẩn bị. Mua sách dạy nấu ăn và nấu những món mới để thay đổi khẩu vị hàng ngày của bé. Khi đó bạn sẽ tạo ra được một nhóm thức ăn ưa thích của trẻ.

Tất cả bé đều gặp khó khăn về chế độ và khẩu vị ăn trong một thời gian nhất định (đặc biệt khi trẻ bắt đầu đi học hoặc đến nhà người lạ) nhưng trẻ dưới 3 tuổi tiếp nhận các loại thức ăn có hương vị mới dễ hơn. Do vậy bạn nên cho trẻ thử nhiều loại thức ăn có hương vị khác nhau khi chúng còn nhỏ.

Trẻ thích đếm


Ngay từ khi con của bạn đếm được đến năm bạn có thể bắt đầu việc kết hợp các trò chơi học đếm trong giờ ăn của chúng.

Cha mẹ có thể giúp trẻ như thế nào?


Để tạo được sự hứng thú cho trẻ khi ăn ít nhất năm phần ăn trái cây hoặc rau củ mỗi ngày bạn hãy nói với trẻ vào lúc sáng sớm “Nào chúng ta cùng nhau đếm xem hôm nay con yêu của mẹ ăn trái cây mấy lần nhé”. Bởi vì trí nhớ của trẻ lúc này rất tốt nên chúng sẽ nhắc lại điều này thường xuyên. Bạn có thể khuyến khích trẻ ăn nhiều trái cây và rau củ bằng cách nói cho chúng biết rằng đó là những loại thức ăn giúp cho con trở thành những người thông minh và cao lớn.

Cuối cùng trẻ cũng sẽ ăn


Nếu trẻ biếng ăn mà bạn đe dọa bắt chúng ăn thì rất có thể trẻ liên hệ việc ăn với xung đột và giờ ăn trở nên thật đáng sợ chứ đó không còn là niềm vui như bạn và bé mong đợi nữa. Dọa ăn có thể có rất nhiều tác hại về mặt tâm lý cho trẻ. Nghiên cứu cho thấy rằng dọa nạt có thể làm cháu chậm phát triển và giảm tăng cân. Nguy cơ suy dinh dưỡng còn thấp hơn nguy cơ rối loạn phát triển.

Cha mẹ có thể giúp bé như thế nào?


Nếu sau khi khích lệ, dỗ dành con của bạn vẫn cương quyết không muốn ăn hãy đặt thức ăn qua một bên và nói rằng chúng có thể ăn khi nào chúng thấy đói. Nếu bà mẹ lo lắng con thiếu dinh dưỡng có thể đưa trẻ đến bác sỹ nhi khoa hoặc cho cháu dùng sữa bổ sung giàu năng lượng. Điều quan trọng là bữa ăn phải vui vẻ chứ không nên là bãi chiến trường.

Một số nguyên tắc cơ bản khi cho con ăn uống


  • Thứ nhất, tập trung vào bữa ăn, không cho trẻ xem ti vi, đọc truyện tranh, chơi đùa trong khi ăn.
  • Thứ hai, bữa ăn không nên kéo dài quá 20 phút, dù trẻ ăn chưa hết cũng nên ngưng, đừng sợ trẻ ăn thiếu vì trẻ sẽ ăn bù vào những bữa sau.
  • Thứ ba, tránh những thức ăn không thích hợp với lứa tuổi của trẻ, như: thức ăn quá cứng ở những trẻ chưa đủ răng hoặc quá loãng ở trẻ đã lớn.
  • Thứ tư, tránh ép buộc trẻ ăn, dễ gây tâm lý trẻ xem việc ăn uống là cực hình.